TRANG SINH HOẠT
chuyên phóng sự về các sinh hoạt Cộng Đồng của người Việt Quốc Gia ở Hải Ngoại nói chung và tại Nam Úc nói riêng


HỘI QUÁN TAO PHÙNG THAM QUAN


Tác giả: V.T
Thể loại: sinh hoạt  cộng đồng

       Vào một buổi sáng mùa hè, khi cơn gió ban mai mang theo sương đêm còn se lạnh lướt qua thành phố, là lúc đoàn tham quan chúng tôi đã tập trung đầy đủ nơi carpark phía sau của trung tâm thương mại Arndale. Chuyến tham quan hôm nay do hội quán Tao Phùng tổ chức, nhân kỷ niệm 125 năm, ngày phong trào phụ nữ đòi quyền bình đẳng tham chính đầu tiên trên thế giới. Địa điểm tham quan của chúng tôi là khu du lịch Gawler, nơi mà những người di dân Anh Quốc đặt chân lên tiểu bang Nam Úc. Hai địa điểm kế tiếp là vườn Hoa Hồng và vườn hoa Lavender của tiểu bang Nam Úc. 
      Xe bus chỡ chúng tôi chạy theo lộ trình: South Road-Northern Expressway-Gawler. Khi xe chạy ngang qua vùng nông nghiệp Virginia, nhìn hai bên đường, quang cảnh hiện ra trước mắt tôi là những dãy nhà kính san sát nhau tạo thành một vùng trắng xóa như mù sương buổi sáng. Nhìn những dãy nhà kính, tôi chợt nhớ lại thời gian làm việc thiện nguyện trong Hội Nông Gia Việt Nam vùng Virginia. Thuở ấy, Hội Nông Gia cũng đã tổ chức những chuyến du ngoạn cho nông gia tham quan các hãng rượu nho, cánh đồng lúa mì và khu hầm mỏ kim loại thuộc khu vực phía bắc thủ phủ Adelaide....Vùng Virginia hiện nay được nổi danh là giang sơn của nông gia Việt Nam trên lãnh vực trồng hoa màu trong nhà kính. Nhớ lại mới hôm nào khi tôi đặt chân đến đây; vùng Virinia chỉ lèo tèo, rải rác khắp nơi chừng vài trăm căn nhà kính cũ kỹ thấp lè tè của các sắc dân Ý, Hy Lạp... Nhưng hôm nay, sau ba thập niên người Việt Nam tỵ nạn đến định cư lập nghiệp, vùng Virginia đã phát triển vượt bực với hằng chục ngàn nhà kính trồng hoa màu theo phương pháp thông thường và hằng trăm nhà kính trồng theo phương pháp thủy canh(Hydroponics) hiện đại theo mô hình Do Thái . Sự phát triển về phương diện giao thông của thời kỳ đảng Lao Động cầm quyền với thành quả nổi bật lưu lại nơi đây là hệ thống xa lộ tốc hành phía bắc(Northern Expressway) bắt đầu từ Gawler chạy ngang qua thị trấn Virginia. Xa lộ tốc hành đã giải quyết vấn nạn ùn tắt giao thông trên tuyến đường nối dài đến quốc lộ liên bang. Và hiện nay, công trình giao thông đang thi công đoạn đường nối tiếp từ Northern Expressway tới Port Adelaide.
     Đặc biệt của chuyến tham quan hôm nay, tham dự viên được ban tổ chức đãi điểm tâm cafê và bánh ngọt ở Hội Phụ Nữ Tin Lành Adelaide( Woman’s Christian Temperance Union=WCTU) , số 225 đường Sir Donal Bradman. WCTU được thành lập vào tháng 4/ 1886 và hiện nay có 39 chi nhánh khắp tiểu bang Nam Úc.
    Rời WCTU lúc 10.30am, chúng tôi đến tham quan trung tâm hành chính của Hội Đồng Thành Phố Gawler, nơi có nhiều di sản văn hóa thổ dân, phong trào phụ nữ đòi quyền bình đẳng chính trị và cái nôi của người Anh di dân đầu tiên đến Úc. 
    Chuyến tham quan nầy, đúng vào dịp kỷ niệm 125 năm, ngày phụ nữ Úc được quyền bình đẳng tham chính: Quyền bầu cử và ứng cử. Chuyến tham quan hôm nay trong đoàn có bà hội trưởng Hội Quán Tao Phùng Hà Thị Phương Ngôn, người vừa được phủ toàn quyền Nam Úc tưởng thưởng bằng khen về thành tích phụ nữ đóng góp trong sinh hoạt cộng đồng ở tiểu bang Nam Úc. Vì vậy, dù hôm nay là ngày nghỉ, nhưng đoàn tham quan được bà thị trưởng hội đồng thành phố Gawler Karen Redman đón tiếp, hướng dẫn tham quan thư viện, các phòng trưng bày về di sản văn hóa của thành phố và thuyết trình lịch sử của ngày phụ nữ đòi quyền bình đẳng về bầu và ứng cử của nữ giới: Ngày 08/12/1894. Bà thị trưởng cho biết nơi thành phố Gawler, 125 năm về trước, thành phố Gawler của tiểu bang Nam Úc có người phụ nữ tên Marie Lee phát động phong trào phụ nữ đòi quyền bình đẳng tham chính. Và từ đây, phụ nữ trên thế giới noi theo tiểu bang Nam Úc cho phụ nữ có quyền bầu và ứng cử....
     Chúng tôi rời thành phố Gawler lúc 11.45am, đến Barossa Valey cho kịp giờ ăn trưa theo lịch trình của ban tổ chức. Tài xế xe bus đưa chúng tôi đến công viên của thị trấn Barossa Valey để ăn trưa. Nơi đây, ban ẩm thực của đoàn gồm quí chị: Chị Ngôn, chị Tuyết Hằng, chị Oanh, chị Hạnh, chị Nhung, chị Xuân Hà ... Các chị làm bánh mì thịt,  phân phát mỗi người một ổ và chai nước suối.
     Ăn trưa xong, chúng tôi lên đường đi đến điểm tham quan thứ hai: Vườn Hoa Hồng. Vườn hoa hồng là một chi nhánh du lịch của tập đoàn Barossa Chateau Estate tọa lạc trên Lindoch Hill thuộc tiểu bang Nam Úc. Theo như lịch sử về vườn hoa hồng nầy: Đây là một trong những vườn hoa hồng nổi tiếng ở Úc Châu được nữ hoàng Elizabeth cắt băng khánh thành vào năm 2002. Vườn hoa hồng có hơn 30 ngàn bụi hoa hồng trồng rải rác trên đồi, xung quanh hãng rượu Barossa Chateau.
     Rời vườn hoa hồng lúc 1.35pm, chúng tôi đến điểm kế tiếp là vườn hoa Lavender, cách vườn hoa hồng chừng 10 phút lái xe. Vì thời điểm mùa hè nên vườn hoa Lavender đã úa tàn vì cơn gió nóng tuần rồi thổi ngang qua đồi Lyndoch. Chúng tôi được ông chủ ra đón tiếp niềm nở, giải thích từng đặc điểm hương thơm của loài hoa Lavender và hướng dẫn chúng tôi vào xem các mặt hàng làm từ hoa nầy, như: Kẹo, xà phòng và những chai nước hoa, open air đa dụng....
     Chúng tôi rời vườn hoa Lavender lúc 3.10 pm, trực chỉ về trung tâm Arndale, nơi khởi hành của chuyến tham quan. Trên đường về, chúng tôi được thưởng thức những tiếng hát của Ngọc Mỹ, Kim Thanh với những bài tình ca thời chinh chiến...
    Ngồi trên xe bus trở về Arndale, tôi chợt nhớ những chuyến tham quan do Tao Phùng tổ chức trước kia. Thuở ấy, những bác cao niên hội viên của hội quán tham dự đầy đủ trong những lần du ngoạn, như: Bác Bằng, bác Nên, bác Mạnh, bác Từ Việt Hồ, bác Hòa, bác Thâu, bác Cung, bác Thanh, bác Mục, bác Giản, bác Thời..v..v.... Tất cả giờ đây đã ra người thiên cổ.! Thế mới ngậm ngùi cho thế sự, như thi sĩ Vũ Đình Liên đã thốt lên:
* Những người muôn năm cũ,
   Hồn ở đâu bây giờ.!!

     Riêng cá nhân tôi, người viết bài phóng sự nầy, nhận xét sự hữu ích của chuyến tham quan bằng câu châm ngôn: Đi một ngày đàng, học một sàng khôn. Thật vậy, tôi đã sống nơi tiểu bang Nam Úc hơn 30 năm, nhưng hôm nay mới biết được nơi tiểu bang nầy có người phụ nữ phát động phong trào đòi quyền bình đẳng chính trị đầu tiên trên thế giới . Đó là bà Marie Lee.
     Cám ơn hội quán Tao Phùng đã tổ chức chuyến tham quan hữu ích nầy.

Adelaide, ngày 29/11/2019